Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013: Thành công không chỉ của ngành Giáo dục

Số thí sinh, giám thị vi phạm giảm; kỷ luật phòng thi được siết chặt; những tín hiệu tích cực từ quy chế mới; thí sinh cũng như toàn xã hội an tâm vì không bị ảnh hưởng bởi những thông tin thất thiệt trước và trong kỳ thi; chỉ đạo sát sao của Bộ GD&ĐT cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ, có hiệu quả của các Bộ, ban, ngành, địa phương, báo chí… Tất cả đã tạo nên một kết thúc đẹp cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay.

Ngay sau kết thúc môn thi tốt nghiệp cuối cùng, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển –  Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đã chủ trì cuộc họp báo thông tin về kỳ thi. Tại cuộc họp báo, Bộ GD&ĐT đã công bố toàn cảnh về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa diễn ra cũng như chia sẻ nhiều thông tin quan trọng được xã hội quan tâm liên quan đến kỳ thi này.

Niềm vui của thí sinh sau mỗi buổi thi

Kết quả đáng khích lệ

Tổng hợp cả 3 ngày thi có 49 thí sinh bị xử lý kỷ luật đình chỉ thi do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi, trong đó có một trường hợp nhờ người thi hộ. 2 giám thị bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào khu vực thi.

Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kiểm tra thực tế tại một số Hội đồng coi thi, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi.

Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được tổ chức đúng kế hoạch, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT, của các địa phương được triển khai sớm, tích cực và chu đáo. Đề thi được bảo mật tuyệt đối; nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, không có sai sót về nội dung và hình thức. Đề thi các môn Khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở, phát huy tính tích cực và năng lực tư duy sáng tạo, có tác động tốt đến tình cảm, đạo đức thí sinh.

Đặc biệt, công tác tổ chức thi có sự phối hợp đồng bộ, sự giúp đỡ tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương và các đoàn thể, các tổ chức xã hội. Nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ tổ chức thi được ghi nhận tại các địa phương. Có thể kể đến chỉ đạo ưu tiên điện sinh hoạt trong giai đoạn học sinh lớp 12 ôn tập thi tốt nghiệp THPT của UBND tỉnh Ninh Bình; UBND Thành phố Đà Nẵng tạm dừng xe tải hoạt động trên các tuyến phố nội thành vào thời gian diễn ra các buổi thi; Sở GD&ĐT Thừa Thiên – Huế phối hợp với Hội Chữ thập đỏ của tỉnh quyên góp mua hơn 2.000 suất cơm trưa phát miễn phí cho thí sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa dự thi; UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo bố trí chỗ ăn, ở cho thí sinh là người dân tộc thiểu số trong thời gian thi; nhiều trường phổ thông trong toàn quốc cử nhân viên thường trực nấu ăn, chăm sóc sức khỏe cho thí sinh trong các ngày thi…

Tín hiệu tích cực từ quy chế mới

Một trong những điểm mới đáng chú ý của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là quy định thí sinh được phép mang vào phòng thi các thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin, không nhận được tín hiệu âm thanh và hình ảnh trực tiếp nếu không có các thiết bị hỗ trợ khác. Có rất nhiều ý kiến trái chiều trước khi nội này chính thức được đưa vào quy chế. Vấn đề này tiếp tục được báo chí đưa ra trong buổi họp báo.

Trả lời về hiệu quả của quy định mới, ông Phạm Ngọc Trúc – Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, quy định này đã đạt được mục đích đặt ra là có thêm một kênh giám sát trong phòng thi.

Nói rõ hơn về nội dung này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc cho thí sinh được mang những thiết bị ghi âm, ghi hình, tác dụng chính không phải là phát hiện mà là ngăn chặn vi phạm. Và cho đến giờ phút này, Bộ GD&ĐT rất mừng vì chưa thấy có phản ánh về những vi phạm nghiêm trọng như Đồi Ngô năm trước.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 có 64 đơn vị tổ chức thi, gồm 2.296 hội đồng coi thi với tổng số 40.361 phòng thi; huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tính đến ngày thi cuối cùng, số thí sinh đến dự thi là 942.549 em, đạt 99,63%; trong đó, giáo dục THPT đạt 99,73%, GDTX đạt 98,72%.
(Nguồn: Bộ GD&ĐT)

Trước phản ánh của phóng viên vẫn còn hiện tượng phao thi, ông Phạm Ngọc Trúc đưa thông tin: Kỳ thi vừa rồi, việc thí sinh mang tài liệu vào phòng thi đã giảm. Tuy nhiên, sau kết thúc kỳ thi, vẫn còn tình trạng thí sinh ném phao ngoài hành lang, dưới sân trường… Ngay sau khi biết được tình hình đó, Ban Chỉ đạo thi trung ương đã chỉ đạo địa phương, theo quy định của quy chế, nếu thi xong nhưng chưa ra khỏi khu vực thi, thí sinh ném tài liệu ra phòng thi hoặc hành lang… vẫn có thể bị xử lý kỷ luật đình chỉ. Các hội đồng thi đã thông báo tới thí sinh nội dung này và tình trạng đó đã giảm trong những buổi thi sau.

Riêng Đồi Ngô – Điểm nóng của kỳ thi tốt nghiệp năm trước, ông Phạm Ngọc Trúc cho cho biết: Năm nay, tỉnh Bắc Giang không tổ chức Đồi Ngô thành một điểm thi độc lập mà ghép học sinh Đồi Ngô với học sinh các hội đồng khác. Theo thông tin chúng tôi nắm được, đến thời điểm này, không có thí sinh nào của Đồi Ngô vi phạm quy chế trong kỳ thi vừa rồi.

Đề mở, đáp án chấm cũng sẽ mở

Một trong những dư âm đẹp của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay chính là những nhận định tích cực của xã hội về đề thi, đặc biệt là đề thi Ngữ văn và Địa lý. Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT cũng như của các giáo viên và học sinh, đề thi môn Ngữ văn năm nay có tính thời sự và tính nhân văn cao, góp phần xây dựng nhân cách cho thí sinh; đề thi môn Địa lí khơi gợi được sự hiểu biết và ý thức về chủ quyền dân tộc, không chỉ có tác dụng giáo dục đối với các thí sinh mà còn có ảnh hưởng tốt trong xã hội.

Tuy nhiên, nhiều phóng viên băn khoăn, việc đề mở, nhưng trước một vấn đề còn có tranh cãi, đáp án và việc chấm như thế nào để đảm bảo công bằng cho học sinh, đánh giá được đúng năng lực của các em.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Bộ GD&ĐT không có câu trả lời đóng. Khi ra đề mở, học sinh sẽ có nhiều ý kiến rất đa dạng; vì vậy, quan trọng là các em thể hiện được quan điểm của mình, đồng thời đưa ra được những lập luận chặt chẽ, hợp lý cho quan điểm đó, khi đó sẽ được điểm cao.

Riêng băn khoăn về những ý kiến trái chiều xung quanh hành động dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng giải đáp: Tùy nhận thức mà có cách nhìn nhận khác nhau về chuẩn mực, đạo đức nên sẽ không áp đặt những suy nghĩ của người chấm cho lớp trẻ. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định: Đề Văn trong những năm tới sẽ tiếp tục theo hướng mở.